Hiện nay, Việt Nam đang ở trong thời điểm có tính chất lịch sử quan trọng. Do hoàn cảnh lịch sử khách quan, dân tộc ta đã không có điều kiện nắm bắt và tận dụng được cơ hội lịch sử của nhân loại ở 3 cuộc Cách mạng công nghiệp trong quá khứ. Nhưng hiện nay nhất định chúng ta phải nắm bắt, tận dụng và không bỏ lỡ cơ hội phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư “cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” để có thể vươn lên sánh vai với các quốc gia khác trên thế giới.
Vận nước và thời cơ lịch sử Việt Nam hiện nay đã “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới.
Trước bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, tạo ra nhiều cơ hội, thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức lớn; đồng thời với tầm nhìn phát triển quốc gia dài hạn 100 năm của Đảng; đây là bước ngoặc, vận hội mang tính lịch sử trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc của Việt Nam.
Trước bối cảnh môi trường chính trị – kinh tế thế giới diễn biến nhanh, đầy biến động và khó dự báo với nhiều khó khăn, thách thức lớn; với thực trạng xuất phát điểm thấp của nền kinh tế quốc gia; đồng thời với những yếu kém, hạn chế nội tại của kinh tế quốc gia hiện nay. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta cần phải đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước với tầm nhìn xa, rộng lớn hơn, chủ động đề ra và triển khai các quyết sách chiến lược mang tính cách mạng, đặt ra nhiều mục tiêu, nhiều vấn đề hệ trọng và yêu cầu phát triển đất nước cao hơn.
Hơn bao giờ hết. Việt Nam cần chủ động hoạch định định hướng chiến lược, các quyết sách quan trọng và chính sách phát triển kinh tế mới phù hợp nhằm đón đầu cơ hội phát triển lịch sử của dân tộc. Chúng tôi kiến nghị 20 nhóm giải pháp phát triển kinh tế – xã hội trọng tâm trong trung và dài hạn, sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy cao độ truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam bối cảnh mới. Hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra những cơ hội, thuận lợi cơ bản nhưng Việt Nam cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn ở phía trước. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của các tầng lớp nhân dân trong nước và tất cả các kiều bào ta ở nước ngoài để góp phần chung sức chung lòng cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.
Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy cải cách đột phá quốc gia toàn diện, đồng bộ và mạnh mẽ trên nhiều góc độ và phương diện quan trọng như thể chế kinh tế, bộ máy tổ chức, mô hình tăng trưởng kinh tế đột phá cho giai đoạn cách mạng mới nhằm vừa tạo ra khí thế mới, xung lực mới và xu hướng phát triển mới; vừa tạo lập các động lực mới, nền tảng nguồn lực mới và không gian phát triển của quốc gia, để phát triển vững chắc và đưa đất nước bước tới kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, cải cách thể chế là đột phá của đột phá. Tập trung cải cách mở cửa, khơi thông các nút thắt, điểm nghẽn và giải phóng mọi nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước là yếu tố có ý nghĩa then chốt.
Thứ ba, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ nhân dân là tạo ra một thể chế quản trị quốc gia thông minh và hiệu quả, một Chính phủ thực hiện chức năng kiến tạo phát triển mạnh, một nền công vụ chuyên nghiệp, bộ máy tinh gọn và hiệu quả, minh bạch, sáng tạo và luôn lấy sự cống hiến, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc làm chính; đồng thời một Chính phủ năng động, luôn đổi mới và thân thiện với nhân dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính phủ số, Chính phủ của cuộc cách mạng 4.0, với một đội ngũ công chức quốc gia từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, thành phố và xã (phường) chuyên nghiệp, có trình độ cao, đạo đức trong sạch và có khát vọng đưa đất nước đi lên ngày một giàu mạnh và phồn vinh.
Thứ tư, trong bối cảnh xu hướng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu diễn ra ngày gia tăng gay gắt và phức tạp; gây ra nhiều khó khăn, thách thức và bất lợi cho từng quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Vì vậy, Việt Nam cần hết sức chú trọng khai khác, tận dụng triệt để và phát huy cao độ về các nhân tố lợi thế cạnh tranh so sánh của quốc gia để không ngừng gia tăng vị thế và năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế như: Vị trí chiến lược địa chính trị quốc gia; sự ổn định chính trị và xã hội; môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn; thị trường tiêu dùng nội địa hơn 100 triệu dân; nguồn lực lao động lớn và có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là nhân lực các ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; và các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên quý giá như dầu khí, năng lượng tái tạo, đất hiếm và các nguồn lực tài nguyên phát triển quan trọng khác.
Thứ năm, phát triển nhanh, mạnh mẽ, vượt bậc, toàn diện và đồng bộ các yếu tố hạ tầng phát triển quốc gia như hạ tầng kinh tế – xã hội; hạ tầng logictics, hạ tầng kinh tế số; xã hội số; kết cấu hạ tầng giao thông (đường không, đường sắt, đường biển), hạ tầng dữ liệu, nhằm góp phần làm gia tăng nguồn lực cạnh tranh, tạo động lực mới và xác lập đường băng cất cánh phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia nhanh, mạnh và bền vững trong trung và dài hạn.
Thứ sáu, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, Dữ liệu là “không khí và ánh sáng” của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới, đổi mới sáng tạo là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững. Đồng thời, với kinh nghiệm của 40 năm đổi mới, Việt Nam đã xác định các mục tiêu phát triển đất nước cần phải bảo đảm nguyên tắc “bền vững, bao trùm, hài hòa”, bao gồm phát triển nhanh phải đi đôi với phát triển bền vững, chất lượng cao, phải hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với xu hướng biến đổi khí hậu.
Thứ bảy, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất và đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Vì vậy, Chính phủ cần tạo môi trường pháp lý ổn định, thuận lợi và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số và xã hội số quốc gia trên nền tảng khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật, v.v) nhằm tạo ra không gian phát triển mới của quốc gia – kinh tế số, xã hội số và Chính phủ điện tử.
Thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, là phù hợp xu hướng dòng chảy phát triển của thời đại và xem đây là bước bứt phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia tiên tiến có nền kinh tế số phát triển, để đáp ứng nhu cầu xây dựng kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần phải có ít nhất khoảng 100.000–150.000 doanh nghiệp công nghệ số để tiên phong, tạo đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia. Đồng thời, gắn với việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển môi trường bền vững.
Thứ tám, Việt Nam cần nhanh chóng tái cấu trúc cơ cấu nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế mới với trọng tâm là không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường và được hỗ trợ bởi một hệ thống nguồn lực vững chắc, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định và có tính bền vững cao. Đồng thời, chủ động sớm điều chỉnh chiến lược xuất khẩu hàng hóa dựa trên giá trị gia tăng, nâng cao giá trị nội tại của hàng hóa, sản phẩm và giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa tự chủ sản xuất quốc gia với việc chủ động tham gia sâu rộng chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu nhằm từng bước thích nghi với các xu hướng thương mại toàn cầu, chính sách thuế quan mới của Chính phủ Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới cả trước mắt lẫn lâu dài.
Thứ chín, Chính phủ nên có những định hướng quyết sách cải cách lớn, quyết liệt, căn cơ và phù hợp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối của nền kinh tế quốc gia. Tiếp tục ổn định tỷ giá USD và VND, đảm bảo cung ứng đủ nguồn ngoại tệ đáp ứng cho nhu cầu hoạt động xuất – nhập khẩu và dự trữ ngoại hối của quốc gia trong trung và dài hạn. Đặc biệt chú trọng đánh giá đầy đủ, kịp thời và thường xuyên những tác động của chính sách thuế quan mới của Chính phủ Mỹ, đối với kinh tế vĩ mô Việt Nam nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng nhằm giúp cho Chính phủ có thể chủ động triển khai các giải pháp điều hành phù hợp để phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Thứ mười, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và hội nhập mạnh mẽ, vai trò của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngày càng trở nên quan trọng. Khối doanh nghiệp nhà nước hiện đang nắm gữi các nguồn lực vốn kinh doanh, tài nguyên sản xuất, kinh doanh lớn và có nhiều điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, so với các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác.
Vì vậy, các doanh nghiệp nhà nước cần phải khẳng định vị trí nòng cốt dẫn dắt các ngành, lĩnh vực kinh tế hoạt động, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Đòi hỏi khách quan là hệ thống doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các ngành kinh tế then chốt phải thực sự giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm yêu cầu về các cân đối lớn, định hướng chiến lược và dẫn dắt nền kinh tế quốc gia; đồng thời là trụ cột quan trọng tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế và đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc gia.
Mười một, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Bài học kinh nghiệm phát triển của các quốc gia tiên tiến cho thấy, vai trò của kinh tế tư nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có tính chất động lực nền tảng và quyết định khả năng phát triển nền kinh tế, với khả năng đóng góp hơn 70–90% GDP của quốc gia. Kinh tế tư nhân cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, để đạt mục tiêu đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2023; ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ các công nghệ lõi phát triển và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc tế; chuỗi cung ứng quốc tế.
Khu vực kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là lực lượng nòng cốt để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực và tự cường và phát triển thịnh vượng. Chính phủ cần quan tâm thí điểm đặt hàng cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia như hạ tầng năng lượng, đường sắt, cảng biển, hàng không và lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia trong thời gian tới.
Mười hai, tiếp tục cải cách mạnh mẽ, sâu rộng và tạo ra bước ngoặc căn bản môi trường đầu tư quốc gia. Trong đó, thực hiện các chính sách khuyến khích tối đa khởi nghiệp phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước; tiếp tục nâng cao tính hấp dẫn và cạnh tranh của môi trường đầu tư nhằm thu hút các dòng vốn FDI thế hệ mới, với việc thu hút các doanh nghiệp FDI gia tăng tham gia đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm quốc gia như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và cảng biển quốc gia, công nghệ sản xuất hàng không, năng lượng hạt nhân, v.v.
Mười ba, Việt Nam cần chú trọng chiến lược phát triển đồng bộ, hiệu quả của 03 thị trường vốn quốc gia, bao gồm cả thị trường chứng khoán, trái phiếu và tín dụng ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu cao về các nguồn lực vốn đầu tư phát triển của quốc gia và hệ thống doanh nghiệp đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam trong năm 2025 và cả trong trung và dài hạn (giai đoạn 2026–2030). Khơi thông và phát triển mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư công và đầu tư tư nhân trong ngắn hạn, trung và dài hạn, là điều kiện tiên quyết và là tiền đề hết sức quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Mười bốn, trước hết, Việt Nam cần chú trọng tận dụng, khai thác hiệu quả thực chất và phát huy các lợi thế mối quan hệ hợp tác kinh tế đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện với gần 30 quốc gia trên thế giới và 17 FTA (bao gồm CPTPP, EVFTA và RCEP) đã được ký thực hiện với hơn 60 quốc gia trên thế giới. Đồng thời, tiếp tục mở rộng và phát triển các thị trường khác có nhiều triển vọng ở các khu vực như Trung Đông, Đông Âu, Đông Á, ASEAN, châu Phi, v.v. Đây là chìa khóa thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và gia tăng khả năng hấp dẫn, thu hút các dòng vốn đầu tư FDI của quốc gia, trong bối cảnh kinh tế thương mại đa phương trên toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong trung và dài hạn.
Nỗ lực đàm phán giải quyết thỏa đáng các vấn đề nút thắt, khó khăn và khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm tiến tới thống nhất thỏa thuận ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ góp phần nâng cao vị thế và lợi thế cạnh tranh quốc gia; đồng thời góp phần chuyển hóa các nhân tố phát sinh nguy cơ, thách thức thành cơ hội và triển vọng phát triển kinh tế quốc gia trong trung và dài hạn.
Mười lăm, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư vừa qua được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam cần thực hiện tốt định hướng kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã được thống nhất tại Phiên đối thoại: (i) Hợp tác công – tư là chìa khóa để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; (ii) Các quốc gia đang phát triển cần xây dựng một hệ sinh thái đầy đủ, toàn diện, hiệu quả để thúc đẩy hợp tác công – tư phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; (iii) Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững phải đi đôi với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và (iv) Nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định thành công của các dự án hợp tác công – tư xanh.
Mười sáu, chúng ta cần tiếp tục có những chính sách kích cầu, gia tăng tiêu dùng nội địa và sức mua trong nước. Trong đó, đặc biệt chú trọng chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia nhằm kích hoạt và thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước. Chú trọng đảm bảo tiến độ và hiệu quả của chính sách đầu tư công của Chính phủ trong thời gian tới nhằm tạo động lực phát triển và hỗ trợ tăng trưởng GDP trong ngắn hạn, trung và dài hạn.
Mười bảy, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước về việc sớm khởi công đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia về đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, 02 nhà máy hạt điện hạt nhân và các dự án trọng điểm khác nhằm tạo tiền đề và bước ngoặt quan trọng của đất nước trong vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia, hệ thống logistics, đảm bảo anh ninh quốc gia về năng lượng, điện và tạo không gian phát triển kinh tế mới của các vùng miền đất nước.
Mười tám, nghiên cứu hoàn thiện thể chế kinh tế, kiến tạo môi trường kinh doanh và các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp nhanh, toàn diện, bền vững là “chìa khóa then chốt” góp phần tăng trưởng GDP quốc gia nhanh và bền vững. Đặc biệt là các chính sách về đổi mới sáng tạo phát huy sức mạnh nội sinh của hệ thống doanh nghiệp quốc gia và tạo công ăn việc làm, và sinh kế lâu dài cho người dân. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách giảm lãi suất cho vay, giảm thuế phù hợp, khuyến khích các chính sách hỗ trợ khác mạnh mẽ cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định và từng bước phát triển bền vững.
Mười chín, tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, đảm bảo cho phát triển đất nước nhanh, hiệu quả và bền vững. Trong đó, Chính phủ cần quan tâm đặc biệt đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc thúc đẩy phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng then chốt như Bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, vận hành nhà máy điện hạt nhân, năng lượng tái tạo, kỹ thuật sản xuất hàng không và nghiên cứu không gian vũ trụ, v.v. phục vụ cho nhu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài.
Hai mươi, con đường phát triển của Việt Nam là không thể tách rời với xu thế phát triển chung toàn cầu, dòng chảy của thời đại và nền văn minh của nhân loại. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục chủ động tích cực đẩy mạnh công cuộc cải cách quốc gia toàn diện và mở cửa nền kinh tế quốc gia, thực hiện chiến lược hội nhập quốc tế trong điều kiện mới và sớm chuyển đổi trạng thái từ hội nhập sâu rộng sang việc chủ động hội nhập quốc tế đầy đủ, theo hướng đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn; ứng biến phù hợp, nhanh chóng chuyển đổi tình hình và trạng thái vận hành nền kinh tế quốc gia nhằm nâng cao tính thích nghi với mọi diễn biến phức tạp, khó lường và điều kiện bối cảnh chính trị, kinh tế quốc tế mới./.
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings.